Phòng ngừa đột quỵ từ góc nhìn dinh dưỡng

Những thay đổi dù rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày hướng đến lối sống lành mạnh đều có thể tạo ra sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe tổng quát và đặc biệt có ý nghĩa trong ngăn ngừa chứng đột quỵ.

Mối liên quan giữa “Sống lành mạnh” và đột quỵ

Hút thuốc lá, thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, khẩu phần ăn thiếu dưỡng chất đều liên quan chặt chẽ với chứng đột quy. Theo các công trình nghiên cứu của Mỹ, có đến 80% các trường hợp đột quỵ có thể ngăn ngừa bằng cách thực hiện “Sống lành mạnh”.

“Sống lành mạnh” bao gồm các nội dung sau:

  • Dinh dưỡng hợp lý.
  • Chọn sử dụng những thực phẩm có lợi cho não và hệ tim mạch.
  • Tập luyện cơ thể từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.
  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế bia, rượu.

Cụ thể:

  • Dinh dưỡng ngăn ngừa “đột quỵ”: Hiệu quả ngăn ngừa chứng đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tuân thủ một chế độ ăn khoa học phối hợp với kiểm tra sức khỏe định kỳ. Lên kế hoạch cho các bữa ăn hàng ngày, chọn thực phẩm lành mạnh, thay đổi cách chế biến các món ăn… là những nội dung quan trọng cần làm.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh: Để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể và hướng đến bổ sung thêm các dưỡng chất giúp ngăn ngừa chứng đột quỵ, trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất 5 trong 6 nhóm thực phẩn dưới đây và cách chọn lựa như sau:

Nhóm lương thực – ngũ cốc: nên chọn ít nhất 50% các thực phẩm thuộc nhóm này là loại nguyên hạt (còn lớp cám) như gạo lứt, lúa mạch nguyên hạt, lúa mạch đen, lúa mì thô… hoặc các món ăn được chế biến từ những thực phẩm này, như bánh mì đen, mì tươi làm từ bột mì nguyên cám, bánh mì ngũ cốc nguyên cám…

Nhóm rau, củ, quả: Nên chọn các loại rau, củ có màu xanh đậm, đỏ, vàng, cam và đừng quên bổ sung các loại đậu vào bữa ăn hàng ngày.

Trái cây: Chọn trái cây chín theo mùa (vừa rẻ vừa chứa nhiều chất bổ dưỡng), có thể dùng tươi, ướp lạnh hoặc trái cây khô.

Sữa: nên chọn sữa và thực phẩm làm từ sữa ít béo hoặc không béo.

Thực phẩm giàu đạm: Chọn thịt nạc, thịt ít mỡ, thịt gia cầm và đừng quên dùng xen kẻ với các loại cá, các loại đậu.

Chất béo: Mỡ cá, chất béo chiết xuất từ hạt, đậu sẽ tốt hơn mỡ heo, bơ động vật, margarine, shortening.

 

10 bước dễ làm giúp ngăn ngừa đột quỵ:

  1. Ăn đa dạng các thực phẩm, bởi vì không có một thực phẩm nào có thể cung cấp toàn bộ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
  2. Chọn thực phẩm có màu sắc của cầu vồng, đó là những loại trái cây, rau, đậu có các màu đỏ đậm, cam, vàng đậm, xanh lá cây đậm, màu tím… điều này giúp bữa ăn chứa đa dạng các dưỡng chất.
  3. Phải bảo đảm ăn đủ 400g rau, củ mỗi ngày và ăn trái cây chín theo khả năng.

  1. Đọc giá trị dinh dưỡng (Nutrition facts) của thực phẩm và chọn các thực phẩm ít năng lượng, ít chất béo (fat), ít chất béo chuyển hóa (Trans-fat), ít cholesterol, ít muối và giàu chất xơ.
  2. Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo no (Saturated fat), chất béo chuyển hóa (Trans-fat) và cholesterol như thịt mỡ, da và mỡ của các loại gia súc, gia cầm, phó mát, bơ động vật, lòng đỏ trứng, margarine, shoetening, kem sữa, dầu cọ, dầu dừa. Khẩu phần chứa quá nhiều các loại chất béo này sẽ gây tăng mỡ máu, tăng nguy cơ bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, cholesterol là chất béo tham gia vào cấu trúc và tạo ra tính đàn hồi của màng tế bào. Vì vậy, lượng cholesterol trong khẩu phần vẫn được khuyến nghị từ 200mg đến 300mg mỗi ngày.
  3. Kiểm soát cân nặng cũng là nội dung quan trọng để phòng ngừa đột quỵ, cần giảm cân nếu cơ thể đang ở trong tình trạng thừa cân – béo phì (BMI ≥ 25).

                                     Cân nặng (kg)

BMI (kg/m2)   = ———————————————————

                                    Chiều cao (mét) x Chiều cao (mét)

  1. Cung cấp đủ nhu cầu chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau, lương thực – ngũ cốc còn lớp cám và chọn các thực phẩm có bổ sung chất xơ (FOS/Inulin).
  2. Lượng đường sử dụng trong ngày nên dưới 20g.
  3. Cung cấp đủ lượng kali để duy trì sự khỏe mạnh của hệ tim – mạch, thực phẩm giàu kali gồm sữa, chuối, cam, táo, quả mơ, khoai tây, khoai lang, rau chân vịt (cải bó xôi), cà chua, bí xanh.
  4. Kiểm soát muối trong khẩu phần. Hiện tại, người Việt Nam dùng trên 10g muối mỗi ngày, khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia là 5g mỗi ngày nhằm giảm chứng tăng huyết áp có liên quan chặt chẽ với đột quỵ; có thể thực hiện những nội dung sau để giảm lượng muối trong khẩu phần:
  • Dùng rau thơm và các loại gia vị tự nhiên (gừng, nghệ, tỏi…) để tạo sự thơm ngon cho món ăn thay vì dùng muối.
  • Hạn chế các món ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp.
  • Không ăn trái cây chấm muối.
  • Hạn chế các loại khoai tây chiên, bắp rang, đậu rang chế biến sẵn vì chúng chứa rất nhiều muối.
  • Tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát lượng muối khi chế biến món ăn

BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương

Nguồn: Tapchisuckhoe

Trả lời