Tim mạch và đột quỵ là những bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường liên quan đến những bệnh lý của hệ tuần hoàn: hẹp, tắc các động mạch, đôi khi do vỡ các mạch máu làm giảm cung cấp máu, dẫn đến thiếu O2 và dinh dưỡng. Bệnh cần được phát hiện, xử lí kịp thời. Y học đã chứng minh mối quan hệ mật thiết, đôi khi là nguyên nhân chính cholesterol cao gây bệnh lí tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, dị dạng mạch máu não, rối loạn đông máu ở bệnh nhân dùng thuốc kháng đông… gây ra đột quỵ.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất béo màu vàng gốc Steroid có trong màng tế bào của tất cả các mô trong cơ thể. Cholesterol có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động, chuyển hoá của cơ thể và một số hormone quan trọng: thượng thận, sinh dục, vitamin D… và chỉ gây bệnh khi vượt quá mức bình thường. Là chất béo nên Cholesterol không tan trong nước, di chuyển trong máu dưới dạng phối hợp với lipoprotein. Có hai loại lipoprotein chính:
- Lipoprotein tỉ trọng thấp: LDLC “xấu” (bình thường < 3,3 mmol/L), khi nhiều sẽ gây lắng đọng trong thành mạch máu, tạo mảng xơ vữa, sẽ gây hẹp lòng mạch, giảm vận tốc dòng chảy, phối hợp với sự lắng động của canxi, tiểu cầu… tăng nguy cơ tạo cục máu đông gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
- Lipoprotein tỉ trọng cao: cholesterol “tốt” (bình thường >1,3 mmol/L) có thể lấy cholesterol dư thừa trong lòng mạch trở về gan để chuyển hoá, đào thải ra ngoài, làm giảm tai biến tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên chỉ lấy được 1/3 – 1/4 lượng cholesterol trong máu.
Những tác nhân gây cholesterol cao
(Khi: cholesterol toàn phần > 5,2 mmol/L; LDL-C > 3,3 mmol/L, HDLC < 1,3 mmol/L).
Cholesterol trong cơ thể được sinh ra 80% nội sinh tại gan, 20% ngoại sinh từ thức ăn hằng ngày.
- Cholesterol tăng do chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt… nhiều hơn nhu cầu của cơ thể dẫn đến béo phì, thừa cân.
- Tuổi và giới tính: Phụ nữ trước mãn kinh mức cholesterol thường thấp hơn nam giới cùng tuổi. Sau tuổi mãn kinh nồng độ LDLC tăng và nguy cơ tim mạch cũng tăng.
- Do di truyền gia đình.
- Ảnh hưởng của một số thói quen xấu: ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, thường xuyên bị căng thẳng.
- Ảnh hưởng từ một số bệnh lí nền: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giáp, bệnh thận mãn…
Mối liên quan giữa cholesterol cao và đột quỵ, tim mạch
Cholesterol cao gây xơ vữa mạch máu như đã mô tả ở trên. Ngoài ra khi các mảng xơ vữa bị bong tróc, chúng theo dòng máu gây tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim, đột tử hoặc tắc động mạch máu gây tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Bệnh nhân có rung nhĩ gây đột quỵ cao hơn gấp 5 lần người không bị rung nhĩ (chiếm 10-25% số ca đột quỵ). Tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt (<130/80 – 140/90) cũng làm tăng 2-4 lần nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, những bệnh lí cần phải điều trị thuốc kháng đông như Sintrom, NOAc… cũng có thể gây rối loạn đông máu dẫn đến tai biến mạch máu não.
Điều trị Cholesterol cao như thế nào?
Biện pháp không thuốc: Ít tốn tiền và không có tác dụng phụ (thầy thuốc không mong muốn khi chỉ định cho bệnh nhân) thực hiện được bất cứ lúc nào nhưng đòi hỏi kiên trì, quyết tâm cao.
- Điều chỉnh lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt, bỏ thuốc lá, rượu bia, tăng vận động, chống béo phì.
- Giảm tổng năng lượng nạp trong ngày (<2000 calo/ ngày) tuỳ theo BMI.
- Chọn thức ăn ít năng lượng, giàu dinh dưỡng (trái cây, rau xanh)
- Giảm lượng chất béo: < 250mg/ ngày (20% tổng năng lượng là lipid), giảm đồ ăn chiên rán, fastfood chứa nhiều transfat, ăn dầu thực vật thay thế mỡ (dầu olive, mè, đậu phộng…) ăn thức ăn chứa nhiều omega 3, omega 6: cá hồi, cá trích, cá thu, tôm… (100gr tôm chứa 0.3g chất béo).
- Ăn thịt trắng thay thịt đỏ (protein chiếm tổng 30% năng lượng).
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt: đậu các loại (cabonhydrat chiếm 50% năng lượng).
- Muối < 1500mg/ ngày (khoảng 0.5 muỗng coffee) ở người > 51 tuổi, suy tim, tăng huyết áp, uống 1.2 – 1.5l /ngày.
- Tăng cường vận động, thể dục: 30-45 phút/ngày/5 ngày trong tuần, tuỳ sức khoẻ của từng người, có thể chạy bộ hoặc bơi.
- Điều chỉnh bệnh lý kèm theo: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp.
- Nếu sau 1-2 tháng chưa đưa Cholesterol về mục tiêu (qua bác sĩ theo dõi và điều trị cho từng người) sẽ điều trị thuốc, luôn giữ chế độ ở trên. Các loại thuốc điều trị mỡ trong máu đều dựa vào tác dụng chung là tăng đào thải ra ngoài qua gan, giảm tổng hợp lipid. Ngăn ngừa mảng bám trong lòng mạch, giữ ổn định, chống viêm mạch máu, các mảng xơ vữa không bong tróc ra trôi theo dòng máu gây tắc mạch: như nhóm statin, fibrat, Niacine… Hầu hết đều chuyển hoá qua gan nên sẽ ảnh hưởng chức năng gan. Đôi khi gây suy gan và những tác dụng phụ khác nên cần phải theo toa và theo dõi bởi bác sĩ chăm sóc sức khoẻ của bạn.
Để phòng ngừa Cholesterol cao gây bệnh lí tim mạch và đột quị cần xây dựng lối sống lành mạnh và theo dõi sức khoẻ định kì với bác sĩ chăm sóc sức khoẻ của bạn. Dưới 20 tuổi 5-6 năm/ lần và sau 40 tuổi theo định kì và hướng dẫn của bác sĩ, luôn theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, luôn dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc, tuyệt đối không tự ý điều trị tránh tác dụng phụ
BS CKII Trần Thị Thuý Hằng – tapchisuckhoe.