Bữa ăn có thêm các loại đậu, quả bơ, tỏi, dâu… góp phần phòng bệnh, hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bệnh tiểu đường.

Bữa ăn có thêm các loại đậu, quả bơ, tỏi, dâu… góp phần phòng bệnh, hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bệnh tiểu đường.

Người được chẩn đoán có nguy cơ mắc tiểu đường nên bổ sung 8 thực phẩm sau vào chế độ ăn uống để giúp ổn định lượng đường trong máu.

Yến mạch

Yến mạch chứa chất xơ hòa tan (beta-glucans), hỗ trợ cải thiện mức cholesterol và lipid trong máu, góp phần duy trì cân nặng. Beta-glucans cũng được các nhà nghiên cứu y tế tại Hàn Quốc cho biết có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin. Người bình thường ăn ngũ cốc nguyên hạt, như bột yến mạch, cháo yến mạch, sữa chua yến mạch, bánh yến mạch cũng ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Quả bơ

Trong quả bơ có lượng magie cao, khoáng chất hỗ trợ cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu. Bơ cũng là nguồn chất béo lành mạnh, vitamin, chất dinh dưỡng và chất xơ, phù hợp để thêm vào bữa ăn, giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau khi ăn (nếu có).

Quả bơ. Ảnh: Freepik

Rau lá xanh

Nhóm rau lá xanh gần gũi trong bữa ăn của mọi gia đình cũng được khuyến khích đưa vào thực đơn của người có nguy có mắc tiểu đường. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, các vi chất trong rau lá xanh hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Cải xoăn, rau chân vịt (bina) giàu vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ và chất chống oxy hóa cao.

Nhóm cá béo

Ăn cá béo góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính có liên đới đến bệnh tiểu đường (như bệnh tim) và giúp phòng bệnh. Theo báo cáo nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ về sự liên quan giữa tiêu thụ cá béo và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2, người ăn ít nhất hai khẩu phần cá béo mỗi tuần giúp giảm 22% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 so với nhóm không ăn. Các nguồn cá béo được khuyến nghị gồm: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá nục, cá mòi.

Tỏi

Các hợp chất trong tỏi có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở người mắc tiểu đường type 2, góp phần làm giảm các biến chứng của bệnh bằng cách hỗ trợ cơ thể giảm mức cholesterol và huyết áp. Tập hợp các nghiên cứu về lợi ích của việc ăn tỏi lên mức đường huyết (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức) cho thấy, thêm tỏi vào chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường type 2 đã cải thiện tích cực lượng đường trong máu trong thời gian ngắn (hai tuần).

Quả mọng

Nhóm quả mọng như việt quất, nam việt quất, dâu tây, mâm xôi, lựu… chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất phytochemical có lợi cho sức khỏe tổng thể, phòng nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, trong đó có tiểu đường. Nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Nevada (Las Vegas, Mỹ) cho rằng, quả mọng có thể hỗ trợ cải thiện lượng đường trong máu sau bữa ăn, thúc đẩy chuyển hóa lành mạnh và giảm rủi ro kháng insulin ở người trưởng thành thừa cân.

Các loại đậu

Đậu hạt và đậu lăng là nhóm thực phẩm có chỉ số GI thấp, được khuyên dùng vì an toàn cho lượng đường huyết ở người có nguy cơ mắc tiểu đường và bệnh nhân tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dùng đa dạng các loại đậu thường xuyên trong ít nhất 6 tuần có thể cải thiện đáng kể các dấu hiệu bất thường lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Dầu olive nguyên chất

Dầu olive giàu chất béo không bão hòa đơn và chất chống oxy hóa hỗ trợ tăng cường miễn dịch, chống lại nhiều bệnh mạn tính. Nhóm nhà nghiên cứu tại Anh cho biết, chế độ ăn có thêm dầu olive nguyên chất hoặc quả olive sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và cải thiện chuyển hóa glucose cho cơ thể.

Nguồn: Mai Chi (Theo Very Well Health)